VẤN ĐỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT...Bài viết của TRÂN KIM SA

VẤN ĐỀ  THƠ ĐƯỜNG LUẬT

 

Thơ Đường, Đường Thi, hay thơ Đường Luật, là lọai thơ có từ thời nhà Đường (Thế Kỷ thứ 7 sau Tây Lich) bên Tàu du nhập vào Việt  Nam từ khi người Trung Quốc  qua “khai hóa” cho giống “Nam Di” nầy. 

 

Trong thời Phong Kiến, Việt Nam dùng chữ Hán để diễn đạt tư tưởng của mình, nên cũng đã  dùng lọai thơ nầy.  Về sau, Các Nho Sĩ Việt Nam có óc dân tộc, dựa vào chữ Hán, thêm bớt vài nét, chế ra chữ Nôm để diễn đạt ý tưởng của người Việt mà ngừơi Tàu không đọc được.  Lúc đó, các Nho sĩ Việt Nam mượn thể thơ nầy làm thơ mà chúng ta đã có dịp học khi còn ở bậc Trung Học Việt Nam như thơ của  Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, vv..

 

Ngày nay, trên tập san nầy, các thi sĩ Khôi Nguyên, Yên Sơn cũng theo một đường hướng đó, dùng luật thơ Đường nói trên làm thơ bằng tiếng Việt để diễn tả những suy nghĩ của mình trong thời điểm mà xưa kia, các Cụ Cha Ông chúng ta bên  nhà gọi là đầu xuân khai bút.

 

Thơ Đường  Luật rất khó làm, vì luật lệ của nó, bắt buộc người làm thơ phải tuân thủ những qui luật, gò bó vào khuôn khổ, nên diễn tả được trong khuôn khổ, hạn hẹp đó, phải là người tài giỏi.  Những người làm thơ hãnh diện vì minh chịu được sự gò bó đó.  Ai làm được mới hay.[1]  Âm vận của tiếng ta, cũng giống như âm vận của tiếng Tàu, là tiếng đơn âm (chỉ có 1 âm), và có thanh bằng trắc, nên thơ Đường từ thơ Tàu dễ áp dụng qua thơ ta.  Do đó, mà thơ Đường còn tồn tại đến nay.

 

Theo Giáo Sư Dương Quảng Hàm, trong sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu [2], thì tùy theo số chữ trong câu, thơ  Đường có 2 lối  Ngũ Ngôn, mỗi câu có 5 chữ, và Thất Ngôn, mỗi câu có 7 chữ.

 Xét về số câu thì có 2 lối là Tứ Tuyệt, mỗi bài có 4 câu , và Bát Cú, mỗi bài có 8 câu.  Như vậy, Thơ Đường có 4 lối là Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt, gồm 4 câu, mỗi câu 5 chữ, tổng cộng có 4x5=20 chữ.  Kế đó là Ngũ Ngôn Bát Cú, gồm 8 câu, mỗi câu 5 chữ, tổng cộng  bài thơ có 8x5=40 chữ.  Thứ nữa là Thất Ngôn Tứ Tuyệt, gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ, tổng cộng bài thơ có 4x 7= 28 chữ.  Cuối cùng là lối phổ biến nhứt là Thất Ngôn Bát Cú, gồm 8 câu, mỗi câư 7 chữ, vị chi là bài thơ trọn vẹn có 7 chữ x 8 câu , tổng cộng có 56 chữ.  Chỉ với 56 chữ (chữ độc âm của Tàu và của ta), người  ta diễn tả đủ được tất cả tâm tư, tình cảm, khí phách ,...của người làm thơ.

 Hai bài thơ :

 

Xuân Đất Khách

 

Chắc hẳn hôm nay xuân đến rồi

Thế mà tết vẫn bặt tăm hơi

Người qua, người lại toàn xa lạ

Xe ngược xe xuôi vẫn nối đuôi

Chén rượu đầu xuân chừng lạt lẽo

Cú phôn chúc tết đến khơi khơi

Ngồi đây tưởng nhớ về quê cũ

Hình ảnh xuân xưa đẹp tuyệt vời…

 

                                     YÊN SƠN

 và bài:

 

TẾT NHỚ QUÊ

 

Bính Tuất, Tết nầy nhớ cố hương

Ngỗn ngang tâm sự biết bao đường,

Ngày đêm trăn trở đau lòng nước,

Năm tháng suy tư điểm tóc sương,

Đất khách mài gươm nuôi dũng khí,

Tha phương tuốt kiếm tỏ can trường

Cộng nô gian ác nên lùi bước

Để tránh tăng thêm nợ máu xương.

 

              KHÔI NGUYÊN

 

thuộc lối ĐƯỜNG LUẬT THẤT NGÔN BÁT CÚ. 

 

Cũng theo GS Dương Quảng Hàm [3], trong lối thơ Đường luật, có 5 (năm) điều phải được xét đến là: VẦN, ĐỐI, LUẬT, NIÊM, và CÁCH BỐ CỤC.

 

Xin được viết vài dòng về vấn đề nầy. 

           

            1.- Trước hết là VẦN.  Vần, chữ Hán là Vận, là những thanh âm hòa hiệp đặt chữ cuối ở  hai hoặc nhiều câu thơ.  Lấy bài Xuân Đất Khách của Yên Sơn làm thí dụ, ta có các vần ở các câu 1, 2, 4, 6, 8, như sau:  rồi, hơi, đuôi, khơi, vời.

           

a.- Về cách gieo vần, Thơ Đường thường dùng vần  Bằng, ít khi dùng vần Trắc, trừ những mục đích riêng của thi sĩ.  Bài thơ Xuân Đất Khách của Yên Sơn gieo vần

Bằng ở các câu 1, 2, 4, 6, 8, như sau:  rồi, hơi, đuôi, khơi, vời là vần bằng.

 

            b.- Trong bài thơ Đường chỉ dùng có một vần từ đầu đến cuối, nên gọi là ĐỘC VẬN.  Bài thơ Tết Nhớ Quê của Khôi Nguyên gieo vần Bằng ở các câu 1, 2, 4, 6, 8, như sau:  hương, đường, sương, trường, xương độc vận.

 

            c- Nếu vần giống nhau thì gọi là CHÍNH VẬN như : hương, đường, sương, trường, xương ( trong bài Tết Nhớ Quê của Khôi Nguyên).... Nếu dùng vần gần gần với nhau thì gọi là THÔNG VẬN, như : rồi,  hơi, đuôi, khơi, vời  (trong bài Xuân Đất Khách của Yên Sơn)

 

Nếu không giống nhau gọi là  LẠC VÂN,  Trong khi làm thơ, nhiều khi có vài chữ gieo vần rất khó tìm chữ  cho thật đúng, nên dùng tạm, và coi như là lạc vận.  Tuy nhiên, trong khẩu khí của người làm thơ, không phải lạc vận là dở, đôi khi rất là hay, và khi đọc lên, ai cũng biết là người làm thơ cố tình làm như vậy.  Để chứng minh điều nầy, người viết bài xin được kể lại chuyện sau đây xảy ra trong giới làm thơ ở Sài Gòn sau khi Miền Nam đổi chủ.

Sau khi chiếm được Miền Nam, chính quyền Cộng Sản cho tập họp tất cả văn thi sĩ miền nam, chậm chân chưa chạy thóat, học tập nghị quyết, để học những điều cấm kỵ, và cũng để dằn mặt, để răn đe.  Không khí nặng nề của buổi học tập được diễn ra với nghị quyết, với chỉ thị,... bao trùm phòng họp suốt nhiều giờ đồng hồ căng thẳng.

  Sau đó, để coi thái độ các văn thi sĩ miền nam ra sao, sau màn răn đe, chủ tọa buổi họp kêu từng người lên phát biểu ý kiến.   Do an ninh và sự sống còn của mình, nhiều người nói theo, ca tụng chung chung, có người vuốt đuôi chung cho qua chuyện,... Đến phiên nhà thơ Bùi Giáng [4], (lúc ấy còn tỉnh táo, còn phong độ, chưa điên lọan như những năm gần cuối đời) lên diễn đàn.  Ông đề nghị không phát biểu chung chung mà chỉ xin phép cho đọc 2 câu thơ lục bát.  Biết ông là một thi sĩ tài danh, người chủ trì hội nghi cho phép.  Lúc đó, từ trong rừng ra, có Thi Sĩ Thu Bồn[5], ngồi kế bên có Thi Sĩ gái tên là Thu Ba trẻ đẹp, lúc đó được ca tụng như những thi sĩ  anh hùng, thơ văn của họ là mẫu mực cho lớp trẻ noi theo.  Trong lúc nói chuyện, Thi Sĩ dép râu Thu Bồn đưa tay vò đầu Thi Sĩ đẹp gái Thu Ba, nên nhà thơ Bùi Giáng  liền đọc 2 câu thơ lục bát[6] lạc vận như sau:

Thu Ba ngồi kế Thu BỒN,

Thu Bồn sướng quá , rờ đầu Thu Ba.

 

Nghe xong 2 câu thơ “lạc vận” ấy, mọi người cười ầm lên.   Tại sao mọi người cười.? Thì Nhà Thơ Thu Bồn lớn tuổi vò đầu Nhà Thơ Thu Ba cháu gái, như người chú thôi.  Có gì mà cười?  Nhưng thật ra, người ta cười vì ý khác.  Trong thơ lục bát, chữ cuối câu 6 trên phải vần với chữ thứ 6 trong câu 8 ở dưới.  Như vậy, chữ BỒN ở câu trên phải bắt vần với chữ ĐẦU của câu dưới là lạc vận, phải vần với chữ gì có vần với ÔN, ON, hay ỒN ( ô nờ ôn huyền ồn) thì mới được,  chữ Thu BồN phải bắt vần vói cái có vần ỒN mới đúng.  Điều nầy khiến đưa đến một sự hiểu ngầm, làm cho Nhà Thơ chiến sĩ gái Thu Ba  đỏ mặt,  và Nhà Thơ Thu Bồn đỏ mặt, tía tai, mọi người cười ầm lên, và buổi họp hết còn vẻ tôn nghiêm, không còn vẻ trang nghiêm, ngột ngạt, khó thở nữa như Nhà Văn Nguyễn Văn Vĩnh[7] đã viết trong “Xét Tật Mình” trên báo Đông Dương Tạp Chí.  "nhăn răng hị một tiếng,...mọi chuyẹn...hết nghiêm trang"...

Nhưng cái sự gọi là gieo vần LẠC VẬN của Thi Sĩ Bùi Giáng  có mục đích rõ ràng.

Với 2 câu thơ lạc vận của Bùi Giáng , buổi họp học tập nghị quyết, chỉ thị, răn đe, ... nói trên chỉ là chuyện...rờ  l... mà thôi.   Buổi họp tan hàng lúc đó.

 

            2.- Vấn đề thứ nhì là ĐỐI.  Đối là đặt 2 câu thơ đi song song nhau cho” ý và chữ cân xứng nhau”.  Đối ý là 2 ý trái ngược nhau, nhưng cùng chung cho mục đích diễn tả .  Đối  Chữ thì phải đối Thanh (bằng & trắc), Lọai ( tỉnh từ với tỉnh từ, động từ cới động từ,...)

 Trong thơ Đường, trừ 2 câu đầu và 2 câu cuối, 2 câu  3+4 ( gọi là cặp THỰC), và 2 câu 5+6 ( gọi là cặp LUẬN) là những câu đối nhau.

 

            3.- LUẬT. Thơ Đường thường gọi là Thơ Đường Luật vì chú trong nhiều đến luật thơ.  Đó là qui luật về sự sắp đặt tiếng bằng tiếng trắc trong các câu thơ.  Cũng theo GS Dương Quảng Hàm, [8] trong tiếng ta, có tám (8) thanh , có 2 thanh bằng và 6 thanh trắc.

 

Hai thanh BẰNG là: Phù Bình Thanh , là chữ KHÔNG CÓ DẤU, ví dụ; MAI

                                  Trầm Bình Thanh, là chữ dấu HUYỀN            ví dụ: Mài

Sáu thanh TRẮC là: Phù Thượng Thanh, là chữ dấu NGà              ví dụ: Mãi

                                  Trầm Thượng Thanh, là chữ dấu HỎI              ví dụ: Mải

                                   Phù Khứ Thanh, là chữ dấu SẮC                    ví dụ: Mái

                                   Trầm Khứ Thanh, là chữ dấu NẶNG              ví dụ: Mại

            Riêng đối với các tiếng, chữ có phụ âm C, CH, P,T ở cuối, có các thanh là:

                                   Phù Nhập Thanh, là chữ có dấu SẮC             ví dụ: mát, mách,...

                                    Trầm Nhập Thanh, là chữ có dấu NẶNG       ví dụ: mạt, mạch,...

            Thơ Đường có thể làm theo HAI luật: luật Bằng và luật TRẮC (Xin xem phụ bản đính kèm).

 

                        a.-Luật BẰNG áp dụng cho bài thơ bắt đầu bằng hai chữ thanh Bằng,  Như vậy, nếu viết tắt T là TRẮC, B là BẰNG, thì tòan bộ bài thơ Thất Ngôn Bát Cú theo Luật BẰNG , Vần BẰNG, có các thanh như sau: 

    

CÂU/CHỮ                  1   2   3   4   5   6   7

           

I                       B  B  T   T   T    B   B vần

II                     T  T   B   B  T   T    B vần

III                    T  T   B   B  B   T    T

IV                    B  B  T   T   T   B    B vần

V                     B  B  T  T   B   B    T

VI                    T  T   B  B  T   T    B vần

VII                  T  T   B  B  B   T    T

VIII                 B  B   T  T  T   B    B vần

 

            b.-Luật TRẮC  áp dụng cho bài thơ bắt đầu bằng hai chữ thanh TRẮC,  như bài TẾT NHỚ QUÊ của Khôi Nguyên và bài XUÂN ĐẤT KHÁCH của Yên Sơn đã nói ở trên.. Như vậy, nếu viết tắt T là TRẮC, B là BẰNG, thì tòan bộ bài thơ Thất Ngôn Bát Cú,  theo Luật TRẮC, Vần BẰNG có các thanh như sau: 

    

CÂU/CHỮ                  1   2   3   4   5   6   7

           

I                       T   T   B  B   T   T   B vần

II                     B   B  T   T   T   B   B vần

III                    B   B   T   T   B  B   T

IV                    T   T   B  B   T   T   B vần

V                     T   T   B  B   B  T   T

VI                    B   B   T  T   T   B   B vần

VII                  B   B   T  T   B   B  T

VIII                 T   T   B  B   T   T  B vần

 

c.- Luật BẤT LUẬN và khổ độc.  Theo đúng các thanh trên rất khó, nên trong luật có những trường  hợp giảm trừ gọi là lệ "bất luận", trong câu thơ có nhiều chữ không cần đúng luật.  Trong các câu thơ, dù thất ngôn, hay ngũ ngôn, dù bát cú hay tứ tuyệt, các chữ thứ 1, 3, 5, 7 không cần dúng luật bằng trắc, thanh bằng hay thanh trắc đều được chấp nhận cả.   Tuy nhiên các chữ thứ 2, 4, 6 thì bắt buộc phải đúng  luật bằng trắc, không khác hơn được.  Do đó người làm thơ có câu thiệu để dễ nhớ:

Nhứt, Tam, Ngũ, Thất bất luận,

Nhì, Tứ, Lục phân minh.

 

Trong bảng ghi luật phía trên cho thấy, những chữ in đậm (bold) là những chữ bắt buộc. phải làm đúng theo luật.  Hai bài thơ XUÂN ĐẤT KHÁCH của Yên Sơn và bài TÊT NHỚ QUÊ của Khôi Nguyên đã áp dụng đúng luật nầy một cách tài tình..

 

Tuy nhiên, trong luật bất luận có vài điều cần lưu ý là: Các chữ Nhứt (1), Tam (3), Ngũ (5), Thất (7)  luật lệ là thanh TRẮC mà đổi ra BẰNG  thì bao giờ cũng chấp nhận được;  nhưng luật lệ là thanh BẰNG mà đổi ra TRẮC  thì làm cho câu thơ khó đọc, luật thơ Đường gọi là KHỔ ĐỘC, và không  bao giờ  được chấp nhận

Những trường hợp ấy là:

- Trong bài ngũ ngôn (5 chữ), chữ thứ Nhứt (1) của các câu chẵn (2, 4, 6, 8); và, chữ thứ 3, (Tam) của tất cả các câu, nếu là BẰNG mà đổi ra TRẮC là khổ độc.

-Trong bài thất ngôn (7 chữ), chữ thứ Ba (3, Tam) của các câu chẵn (2, 4, 6, 8), và chữ thứ Năm (5, Ngũ) của tất cả các câu, nếu là BẰNG mà đổi ra TRẮC là khổ độc.

 

Trong bài thơ nếu các chữ 2, 4, 6, mà dùng sai luật, nếu là BẰNG mà đổi ra TRẮC, hay ngược lại, thì gọi là thất luật, không chấp nhận được.

 

 

4.- NIÊM . Niêm có nghỉa đen là dính với nhau.  Đó là sự liên lạc âm thanh giữa hai câu thơ trong Đường luật .  Nói rõ hơn, hai câu thơ gọi là niêm với nhau khi chữ thứ 2 của hai câu thơ ấy có cùng một luật, cùng một thanh, cùng bằng hay cùng trắc cả.

 

Trong một bài thơ Đường luật thất ngôn, bát cú, chữ thứ 2 của những câu sau đây niêm với nhau:  câu 1 niêm với câu 8,  câu 2 niêm với câu  3, câu 4 niêm với câu 5, câu 6 niêm với câu 7, và câu 8 niêm với câu 1.

Nếu trong bài thơ  không theo đúng như lệ ấy gọi là thất niêm.

Xem lại hai bài thơ XUÂN ĐẤT KHÁCH của Yên Sơn và bài TÊT NHỚ QUÊ  của Khôi Nguyên chúng ta thấy quí vị ấy đã áp dụng đúng luật nầy một cách tài tình..

 

5.- CÁCH BỐ CỤC. Về cách bố cục, bài thơ bát cú có 4 phần:

 

a.- Đề là 2 câu đầu của bài thơ bát cú là 2 câu mở bài.  Câu 1 gọi là câu phá, hay  câu phá  đề, câu 2 là câu thừa, hay câu thừa đề.

b.-Thực hoặc Trạng là 2 câu 3 và 4, giải thích đầu bài cho rõ ràng.

c.-Luận là 2 câu 5 và 6,  bàn bạc cho rộng nghỉa đầu bài.

d.-Kết là 2 câu 7 và 8, tóm ý nghỉa của cả bài mà kết luận.

 

Như trên đã có đề cập đến, tùy theo số câu số chữ trong câu, thơ Đường có, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn tứ tuyệt. 

Xin được bàn thêm về tứ tuyệt.  Chữ tuyệt ở đây có nghỉa là ngắt, dứt.  Thơ tứ tuyệt, có bốn (tứ) câu, tuỳ  theo cách làm, có thể dùng nhiều cách ngắt đoạn.

 

1.- Ngắt bốn câu trên , 4 câu đầu, thành ra bài thơ, 4 câu 3 vần, hai câu trên có vần và không đối nhau., hai câu sau đối nhau. [9] Thí dụ:

 

TƯ TRÀO.

Vị Xuyên có Tú Xương

Dở dở lại ương ưong

Cao lâu thường ăn quịt,

Thổ đĩ lại chơi lường.

 

                     TRẦN TẾ XƯƠNG

 

2.- Ngắt bốn câu giữa, thành bài thơ 4 câu 2 vần, cả 4 câu đối nhau từng cặp, như bài ngũ ngôn dưới đây.

 

KHÓM GỪNG TỎI,

 

Lởm chởm vài hàng tỏi,

Lơ thơ mấy khóm gừng.

Vẻ chi là cảnh mọn,

Mà cũng đến tang thương.

 

               ÔN NHƯ HẦU NGUYỄN GIA THIỀU.

 

3.-Ngắt bốn câu cuối, thành bài thơ 4 câu 2 vần, 2 câu trên đối nhau, 2 câu dưới không đối nhau như bài dưới đây có 2 câu đầu đối nhau.:

 

ĐỀ CHÙA VÔ VI

 

Vắt vẻo sườn non Trạo,

Lơ thơ mấy ngọn chùa.

Hỏi ai là chủ đó?

Có bán, tớ xin mua.

 

                                  VÔ DANH.

 

 

4.-Ngắt hai câu đầu và hai câu cuối,  thành bài thơ 4 câu 3 vần, cả 4 câu không đối nhau.

 

CÁI PHÁO,

 

Xác không, vốn những cậy tay người,

Bao nả công trình, tạch cái thôi !

Kêu lắm, lại càng tan tác lắm,

Thế nào cũng một tiếng mà thôi.

 

                                            NGUYỄN HỮU CHỈNH

 

5.-Ngắt hai câu đầu 1, 2 và hai câu 5, 6, thành bài thơ 4 câu 3 vần, hai câu cuối đối nhau. (Luật Trắc, vần Bằng)

 

CON CÓC

Bác Mẹ sinh ra vốn áo sồi,

Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi

Tép miệng năm ba con kiến gió,

Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.

 

                                              LÊ THÁNH TÔN[10]

 

 

 

Thơ Đường ngự trị trong thi đàn Tàu và ta một thời gian dài từ đời nhà Đường cho đến ngày nay mà chưa có thể thơ nào khác đánh bạt nổi., có lẽ vì thể thơ nầy có những  lối làm thơ độc đáo riêng biệt, có thứ bắt chước từ Tàu, có thứ lại là riêng ở nước ta.  Xin được đưa ra những bài thơ Đường làm theo những lối làm thơ đặc biệt như dưới đây:

 

1.- THỦ VĨ NGÂM.  Theo chữ Hán, thủ là đầu, vĩ là cuối.  Theo lối nầy, bài thơ có câu đầu ( thủ) và câu cuối ( vĩ) giống nhau.  Xin đựơc chép ra bài thơ nói về Tết của Tú Xuơng.

 

TẾT.

 

Anh em đừng tưởng Tết tôi nghèo

Tiền bạc trong kho chửa lãnh tiêu,

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quảy;

Trà sen, mượn hỏi, giá còn kiêu.

Bánh đường sắp gói, e nồm chảy;

Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu.

Thôi thế thì thôi, đành Tết khác,

Anh em đừng tưởng Tết tôi nghèo.

 

                                  TRẦN TẾ XƯƠNG.

 

2.- LIÊN HOÀN. Đây là lối làm thơ Đường có dạng đặc biệt, gồm có nhiều bài thơ diễn tả cùng một chủ đề, lấy câu cuối, hoặc một ít chữ cuối của bài trên làm câu đầu hoặc các chữ đầu của bài dưới; và câu cuối, hay các chữ cuối của bài cuối lại chính là câu đầu, hay cá chữ đầu của bài đầu.  Do đó mà gọi là liên hoàn.  Lối làm thơ nầy rất khó, nên không có nhiều người làm.  Những bài nổi tiếng trong thi đàn nước ta có thể kể đến là 10 bài, gọi là thập thủ liên hoàn, có tên là Tư Thuật của Ông Tôn Thọ Tường giải bày tâm sự vì sao ông theo Pháp, và 10 bài họa vận của Ông Phan Văn Trị mạt sát ông Tôn Thọ Tường; và nói vì sao ông chống Pháp.  Ngoài ra, một bài thơ nổi tiếng  thuộc loại nầy là do một vị quan Triều Nguyễn tên là THƯỢNG TÂN THỊ, viết ra trong tâm trạng của người vợ của Vua Thành Thái, khi vị vua nầy, và con là Vua Duy Tân, chống lại Pháp, nên bị Pháp bắt đày đi  qua đảo Reunion bên Phi Châu.  Bài thơ mang tên "Chồng ơi chồng !  Con hởi con" là một bài thập thủ liên hoàn, mà câu trên là tựa, là câu đầu, và cũng là câu cuối của bài.  Dưới đây xin chép 4 bài,[11] gọi là tứ thủ liên hoàn , để minh chứng.

HỦ NHO TỰ TRÀO,

 

I

 

Ngán nỗi nhà nho, bọn hủ ta,

Hủ sao hủ gớm hủ ghê mà

Thơ suông, nước ốc còn ngâm váng;

Rượu bự, non chai vẫn chén khà.

Múa mép rõ ra văn chú chiệc;

Dài lưng quen những thói con nhà.

Phen nầy cái hủ xua đi hết

Cứ để cười nhau, hủ mãi a?

 

II

 

Cứ để cười nhau, hủ mãi a?

Cười ta, ta cũng biết rằng ta.

Trót quen nho nhã đầu khăn lượt,

Hóa kém văn minh, cổ áo là.

Khó vậy làm em, giàu làm chị;

No thì nên bụt, đói ra ma.

Nay  đương buổi học ganh đua mới,

Còn giữ lề xưa mãi thế mà !

 

III

 

Còn giữ lề xưa mãi thế mà !

Trông gương ta lại tức cho ta,

Ngâm câu dã, giả, đùi rung nẩy,

Ngó chữ a, b mắt quáng lòa,

Tai mặt cùng vui đình đám hội;

Mày râu riêng thẹn nước non nhà.

Ai ơi  ! Giấc ngủ sao mê quá,

Mưa gió năm châu rộn tiếng gà.

 

 

IV

 

Mưa gió năm châu rộn tiếng gà.

Cái hồn văn tự tỉnh dần ra

Tiếng khua giao dục kêu vang nước;

Đuốc rọi văn minh sáng rưc nhà.

Khai hóa đã đành thay lối cũ;

Cải lương còn phải tính đường xa

Anh em nghĩ lại sao không cố,

Ngán nỗi nhà nho, bọn hủ ta,

 

                                    TÌNH SI TỬ

 

 

3.- THUẬN NGHỊCH ĐỘC là lối làm một bài thơ Đường luật mà đọc xuôi, đọc ngược gì cũng thành câu có nghĩa cả., có khi đọc xuôi là thơ nơm, mà khi đọc ngựợc lại trở thành thơ chữ Hán.  Phổ thông nhứt trong loại nầy là bài nói về Đền Ngọc Sơn ở Hà Nội của một thi sĩ Vô Danh.

 

 

(Bài đọc xuôi)

 

Linh uy tiếng nổi thật là đây:

Nước chắn, hoa rào, một khóa mây,

Xanh biếc nước soi, hồ lộn bóng;

Tím bầm rêu mọc, đá tròn xoay.

Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng ;

Khách vắng khi đưa xạ ngát bay.

Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng,

Rành rành nọ bút với nghiên nầy.

 

 

(Bài đọc ngược)

Nầy nghiên với bút nọ rành rành

Thắng cảnh đồn vang tiếng thị thành.

Bay ngát xạ đưa khi vắng khách;

Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh

Xoay tròn đá mọc, rêu bầm tím,

Bóng lộn hồ soi nước biếc xanh.

Mây khóa một rào hoa chắn nước.

Đây là thật nổi tiếng uy linh.

 

                                   VÔ DANH.

 

4 .-YẾT HẬU Lối nầy thường áp dụng cho thơ tứ tuyệt.  Theo lối nầy bài thơ có một, hay nhiều đoạn 4 câu; 3 câu đầu đầy đủ 5 chữ (ngũ ngôn), hay 7 chữ (thất ngôn); nhưng câu thứ 4 chỉ có 1 chữ.  Như bài thơ dưới đây:

 

Thân dài, vai rộng để mà chi ?

Tối tối ăn no, lại ngủ khì

Mình ơi ! Thức dậy, chiều em tí,

Đi !!!

 

Suốt ngày bận rộn với văn bài,

Mõi cả chân, và mõi cả vai,

Chuyện ấy hôm nay xin gát lại,

Mai !!!

 

                                     VÔ DANH.

 

 

5.-LỤC NGÔN THỂ là tối thơ thất ngôn, nhưng có chỗ lại xen vào những câu thơ chỉ có 6 chữ.  Các thi sĩ ở thời Trần, thời Hậu Lê thường  dùng lối thơ nầy.  Tiêu biểu nhứt là  bài Cảnh Nhàn của Trạng Trình Nguyễn Bĩnh Khiêm dưới đây:

 

Lọ là thành thị, lọ lâm toàn,

Được thứ thì hơn, miễn phận nhàn.

            Vụng, bất tài, nên kém bạn,

            Già, vô sự, ấy là tiên.

Đồ thư một quyển nhà làm của;

Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền.

Dù nhẫn chê khen, dù miệng thế,

Cơ mầu tạo hóa mặc tự nhiên.

 

hay là trong một số bài thơ của Bà  Hồ Xuân Hương, ta thấy hiện diện lối nầy nhưng thường là ở câu đầu mà thôi.  Thí dụ trong bài "Trách Ông Chiêu Hổ" như sau:

 

            Anh đồ tỉnh, anh đồ say,

            Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày ?

            Này này chị bảo cho mà biết,

            Chốn ấy hang hùm, chớ mó tay !!!

                                       HỒ XUÂN HƯƠNG,

 

hay trong bài "Một Cảnh Chùa" như sau:

 

            Tình cảnh ấy, nước non nầy,

            Dẫu không Bồng Đảo, cũng Tiên đây,

            Hành Sơn  mực điểm đôi hàng nhạn,

            Linh Thứu đen trùm một thức mây...

                                            HỒ XUÂN HƯƠNG,

 

 

6.-TIỆT HẠ, là lối thơ mà câu nào cũng bị bỏ lửng nửa vời, bị ngắt bớt ở cuối câu, nhưng cái hay là người đọc có thể hiểu được ý nghỉa, như bài dưới đây:

Thác bức rèm châu chợt thấy mà...!

Chẳng hay người ngọc có hay đà...!

Nét thu dợn sónh hình như thể...!

Cung nguyệt quang mây nhác ngỡ là ...

Khuôn khổ ra chiều người ở chốn...

Nết na xem phải thói con nhà...

Dở dang nhắn gửi xin thời hãy...

Tình ngắn tình dài chút nữa ta...

                                       VÔ DANH[12]

 

7.-VĨ TAM THANH là lối thơ có ba tiếng (tam thanh) cuối cùng (vĩ) có âm giống nhau như sau đây:

 

Ta nghe gà gáy tẻ tè te,

Bóng ác vừa lên hé hẻ hè.

Non một chồng cao von vót vót,

Hoa năm sắc nở loẻ lòe loe.

Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa,

Ong nghĩa vua tôi nhẹ nhẻ nhè.

Danh lợi mặt người ti tí tỉ,

Ngủ trưa chưa dậy khỏe khòe khoe.

                                   

                                  VÔ DANH

 

 

8.-SONG ĐIỆP, là lối thơ đặc biệt ở đầu hoặc cuối mỗi câu có 2 cặp (song) chữ trùng nhau ( điệp), lập lại, như bài dưới đây , cũng do một tác giả Vô Danh mà GS Dương Quảng Hàm cho in lại trong  Việt Nam Văn Học Sử Yếu, sdd, trang 135.

Vất vất, vơ vơ cũng nực cười !

Căm căm cúi cúi có hơn ai ?

Nay còn chị chị, anh anh đó,

Mai đã ông ông, mụ mụ rồi.

Có có, không không, lo hết kiếp

Khôn khôn dại dại, chết xong đời.

Chi bằng láo láo lơ lơ vậy,

Ngủ, ngủ, ăn ăn , nói chuyện chơi.

 

9.-LIÊN NGÂM. hay còn gọi là LIÊN CÚ là một bài thơ do nhiều người làm, mỗi người làm 1, hoặc 2,... câu liên tiếp nhau, góp thành ý chung của bài.  Tiêu biểu cho lối nầy là bài Cảnh Hồ Tây do Bà Liễu Hạnh cùng với Ông Phùng Khắc Khoan, một ông họ Lý, và một ông họ Ngô đi chơi thuyền trên Hồ Tây chung nhau ngâm lên mà thành.  Nguyên tác chữ Hán do Phan Kế Bính diễn Nôm và in lại trong tập Việt Hán Văn Khảo của ông.

 

Liễu:    Hồ Tây riêng chiếm một bầu trời,

Lý:       Bát ngát từ mùa rộng mắt coi.

            Cõi ngọc xanh xanh làng phía cạnh,

Phùng: Trâu vàng biêng biếc nước vàng khơi,

            Che mưa nhà lợp vài gian cỏ,

Ngô:    Chèo gió ai bơi một chiếc chài.

            Dậu thủng chó đua đàn sủa tiếng,

Lý:       Trời hôm bếp thổi khói  tuôn hơi.

            Mơn mơn tay lái con chèo quế,

Phùng: Xàn xạt  mình đeo chiếc áo tơi.....[13]

 

 

10.-HỌA VẬN, là lối làm thơ dựa vàoVần gieo sẵn của  bài thơ có trước gọi là bài XƯỚNG để làm bài thơ mới gọi là bài HỌA để đáp lại ý nghỉa bài xướng, đưa ra ý kiến đồng tình hay phản bác lại. Tiêu biểu cho lối nầy là những bài xướng họa của hai ông Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị như bài thập thủ liên hoàn có tựa đề là "Tự Thuật", và bài "Tôn Phu Nhân Qui Thục". 

Đây là lối làm thơ khá phổ biến ở Việt Nam ta.  Những người làm thơ dùng lối nầy như một sinh hosạt văn hóa  đặc trưng, tao nhã của người xưa.  Chúng tôi xin được bàn đến trong  một bài khác cũng trong số báo nầy.

 

Thơ Đường ngự trị trong thi đàn Tàu và ta một thời gian dài từ đời nhà Đường cho đến ngày nay mà chưa có  thể thơ nào khác đánh bạt nổi.  Ở nước ta, phong trào thơ mới, chịu ảnh hưởng sự tự do phóng khóang của Tây phương với nhiều thi sĩ nổi danh, quần chúng hưởng ứng đông đảo, thơ mới xuất hiện nhiều trên báo, nhiều tập thơ mới đã xuất bản khắp  trong và ngoài nước,...Thơ mới cốt sao diễn tả được ý mình, đọc lên có nhịp điệu, nhạc điệu, người làm thơ, và kẻ đọc thơ thích là đủ, đâu cần phải  theo qui luật của Đường thi.

 Nhưng thơ Đường vẫn còn đọng lại trong tâm những người hoài cổ.  Ngày nay thơ Đường ít xuất hiện trên báo chí.  Nhiều người làm thơ Đường hãnh diện mình chịu được sự gò bó của niêm, của luật của sự giới hạn chữ.  Họ hãnh diện vì chưa vượt được sự nô lệ tâm tư của văn hóa Tàu, nhưng ho lại thường chê người khác là làm thơ thất niêm, thất luật, dù người ta làm thơ mới, đi lần đến lối thơ tự do.  Hi vọng chúng tôi sẽ trở lại vấn đề nầy trong một dịp thuận tiện nào khác.

 

 

TRẦN KIM SA.

 



[1] Sau nầy, thế hệ 30, 40, người làm thơ theo Tây Phương , bỏ lối thơ nầy, tạo ra phong trào thơ mới,phóng khóang hơn, không còn gò bó như thơ Đường Luật khi trước nên dễ diễn đạt tư tưởng của người làm thơ hơn.  Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư,... thuộc thế hệ nầy. Xin xem thêm Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa xuất bản, in lần thứ 10, năm 1968, tr.429.

[2] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa xuất bản, in lần thứ 10, năm 1968, tr.121.

[3] Sách Đã Dẫn, sdd, trang 123.

[4]  Bùi Giáng là nhà thơ , sau nầy được coi như thiên tài, người Đất Quảng, dạy Quốc Văn tại các Trường Trung Học Tư Thục ở Saigon.  Ông nổi tiếng về thơ, và đã xuất bản nhiều tập thơ có giá trị, trong đó có các tập :”Lá Hoa Cồn”, “ Ngàn Thu Rớt Hột”.   Ông đa tình, mê Thúy Kiều, mê Marilyn Monroe, và các người đẹp nổi tiếng khác.  Trong thơ ông đầy  những hình ảnh về các người đẹp ấy.  Ngòai ra, ông còn viết sách triết học về các triết gia hiện sinh của Đức thời thượng như Heidegger, Kierkeggard,... Những năm cuối đời, ông trở thành điên lọan, đi lang thang trong phố Saigon đã mất tên, không biết là điên thật hay điên giã.   Ông mất cách đây vài năm trong sự thương tiếc của người Saigon yêu thơ văn. 

 

[5] Thi Sĩ miền trung, theo Giải Phóng, chọn tên con sông lớn miền Hội An làm bút hiệu, vừa qua đời năm 2005.

 

[6] Thơ Luc Bát là thơ lọai phổ thông nhứt của người Việt Nam, ai cũng biết qua ca dao, người dân quê, không biết chữ cũng làm được.

 

[7]  Trong bài “ Gì Cũng Cười” trong tác phẩm  XÉT TẬT MÌNH (1913), Nhà Văn Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) viết:”An nam ta có một thói lạ là gì cũng cười.  Hay cũng cười, dở cũng cười.  Hay cũng hì !  Dở cũng hi! Nhăn răng hì một tiếng, mọ chuyện hết nghiêm trang,...”

 

[8] Dương Quảng Hàm, sdd , trang 124.

[9]  Trong Truyện Kiều, lúc mấy chị em du xuân, trên đường về, gặp mộ Đạm Tiên,; nghe Dương Quan kể về cuộc đời  bạc phận của nàng, Thuý Kiều cảm động, lấy cây trâm cài đầu rồi :"Vạch da cây vịnh bốn câu, ba vần".  Đó là bài thơ tứ tuyệt. 

[10] Dương Quảng Hàm, sdd , trang 128.

[11]  Dương Quảng Hàm, sdd , trang 132-133.

[12] Dương Quảng Hàm, sdd , trang 135.

[13] Dương Quảng Hàm, sdd , trang 137.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

VÀI HÀNG về TIỆM SÁCH THÀNH TÍN ở BÀ RỊA... Bài viết của TRẦN KIM SA

LỄ VU LAN - PHẬT LỊCH 2558 - tại CHÙA THANH TỊNH, ROCHESTER New York.

THÁNH LỄ GIÁNG SINH CUỐI THÁNG 1/1977 tại Xã BƯNG RIỀNG, Huyện XUYÊN MỘC, Tỉnh ĐỒNG NAI,...